Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH
Muốn chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký gồm: giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả
Chủ doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký chuyển đổi gồm giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán, danh sách người lao động hiện có, danh sách các hợp đồng chưa thanh lý; Danh sách thành viên theo quy định tại Điều 23 của Luật Doanh nghiệp khi chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên công ty là cá nhân, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các thành viên công ty là tổ chức. Ngoài ra hồ sơ còn gồm các bản cam kết, bản thỏa thuận theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2010 (Điều 23 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010).
Hồ sơ được gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ các điều kiện luật định. Trường hợp từ chối, doanh nghiệp được trả lời bằng văn bản có lý do rõ ràng và hướng dẫn những yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp; đồng thời xóa tên doanh nghiệp tư nhân đã chuyển đổi trong sổ đăng ký doanh nghiệp (Điều 36 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2010). Và theo Điều 23 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 thì, khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty chuyển đổi, doanh nghiệp phải nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của doanh nghiệp được chuyển đổi.
Nội dung trên cho thấy quyền quản lý của nhà nước vẫn được bảo đảm đồng thời vẫn phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp nói chung, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn nói riêng. Tuy nhiên hướng dẫn của hai Nghị định nêu trên có nội dung đơn giản, còn chung chung dẫn tới nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chuyển đổi cũng như đối với cán bộ thụ lý hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh trong thực tiễn. Thậm chí không ít chuyên viên của Phòng ĐKKD thuộc các Sở kế hoạch và Đầu tư chưa nắm rõ thủ tục này nên có cách xử lý khác nhau, sự giải thích khác nhau dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài, cá biệt có nơi còn trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp…
Để thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn được thực hiện thuận lợi trong thực tế, các quy định của pháp luật cần được bổ sung và cần bảo đảm được một số yêu cầu như: Có hướng dẫn chi tiết từng văn bản trong bộ hồ sơ chuyển đổi doanh nghiệp như mẫu văn bản cam kết về các khoản nợ chưa thanh toán, văn bản thỏa thuận tiếp nhận thực hiện quyền và nghĩa vụ các hợp đồng chưa thanh lý, văn bản thỏa thuận với thành viên góp vốn khác về sử dụng đội ngũ lao động cũ… Quy định các hợp đồng đang được thực hiện giữa doanh nghiệp tư nhân với các chủ thể khác nay chuyển sang công ty TNHH kế thừa thì có phải thay đổi hợp đồng hay không phải thay đổi; Các khoản tiền thanh toán cho nhau qua hệ thống ngân hàng có được quyết toán thuế theo công ty mới hay không để tránh các hệ lụy khi xử lý những hợp đồng này, đặc biệt trước cơ quan thuế. Bảo đảm kiểm soát được quá trình thực hiện các hợp đồng chưa thanh lý mà chủ doanh nghiệp thỏa thuận với các bên về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện để tránh thiệt hại cho đối tác của hợp đồng này khi nó chỉ được bảo đảm bằng sự trung thực của chủ DNTN.