Các dịch vụ
Tin nghề nghiệp TRANG CHỦ » Tin tức » Tin nghề nghiệp

Gia đình 4 chị em ruột mưu sinh bằng nghề xe ôm ở Sài Gòn

13h:50 (GMT+7) - Thứ năm, 18/09/2014

Nghề xe ôm thường chỉ dành cho cánh mày râu nhưng trong một gia đình tại Sài Gòn, 4 người phụ nữ đã gắn bó gần 25 năm với công việc này.
Cả 4 chị em hiện đang sống trong một căn nhà nhỏ nằm trong hẻm thuộc đường Nơ Trang Long (phường 13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hàng ngày đều chạy xe ôm mưu sinh. Người chị đầu là Nguyễn Thị Đen (50 tuổi), người em kế là chị Nguyễn Thị Tuyết (47 tuổi), người thứ 3 chị Nguyễn Thị Hồng Loan (45 tuổi) và cô em út là chị Nguyễn Thị Hồng Liễu (40 tuổi).

Nghề xe ôm gắn bó với 4 chị em từ năm 1990 đến bây giờ, gần 25 năm trải qua biết bao nhiêu chuyện buồn vui với nghề. “Tôi còn nhớ như in cái ngày cả 4 chị em đều quyết định chọn nghề lái xe ôm để mưu sinh, lúc đó chỉ có 2 chiếc xe máy mà cha mẹ để lại, nên hàng ngày phải thay phiên nhau chạy, 2 người chạy thì 2 người kia ở nhà lo cơm nước. Cả 4 chị em chọn nghề này để kiếm sống, đã định hình ngay trong đầu là chấp nhận với mọi rủi ro mà nghề mang lại và mấy chị em tôi đều đã vượt qua được”, chị Liễu chia sẻ.

Chị Liễu (người em út trong gia đình) chia sẻ về nghề lái xe ôm của các chị em trong gia đình.

Trước khi chọn nghề xe ôm để gắn bó thì 4 người phụ nữ đều làm công nhân ở một công ty sơn. Sau nhiều năm gắn bó với nghề sơn, sức khỏe của các chị đã dần giảm sút nghiêm trọng do tác hại của nước sơn gây ra. Nghỉ ngơi một thời gian để ổn định sức khỏe thì các chị đi đến quyết định táo bạo chạy xe ôm để có đồng ra đồng vào và chủ động được thời gian. Chị Liễu tâm sự: “Khi quyết định hành nghề của đàn ông, cả mấy chị em tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhiều lắm, nhà toàn phụ nữ, ba mẹ thì đã mất nhiều năm nên không thể dựa vào ai được, thấy nghề xe ôm cũng có thu nhập đủ sống, thời gian cũng do mình, vậy thì cứ lái xe ôm thôi”.

Mặc dù đang ăn cơm trưa nhưng có khách gọi thì chị lại chuẩn bị đi đón khách.

Theo các chị, một khi đã chọn việc gì đó để làm thì phải chấp nhận nguy hiểm, đặc biệt là phụ nữ, nghề xe ôm lại càng gian truân. Cái nghề “bán mặt cho đường” nếu người phụ nữ nào không đủ lý trí để chấp nhận mạo hiểm thì không thể thực hiện được. Ngày mới vào nghề, các chị luôn bị những tay xe ôm nam bắt nạt, hoặc bị tranh khách, có lúc chở khách đi lại bị quỵt tiền, thậm chí bị cướp. 

“Có lúc tưởng chừng mấy chị em động viên nhau thôi ráng làm một thời gian nữa để kiếm chút tiền lo cho con cái sau khi lấy chồng rồi hãy bỏ nghề cũng được. Đến khi lấy chồng, cả 4 chị em cũng không biết xin việc gì để làm nên tiếp tục gắn bó với nghề, rất may chồng tôi và các anh rể đều không phản đối khi tiếp tục làm nghề này”, chị Liễu chia sẻ thêm.

Nhiều lúc có khách nhờ mình chở nhưng vẫn phàn nàn và tỏ vẻ khó chịu: "Đàn bà chạy xe ôm không biết có yên tâm không đây, lái có ổn định không". Mặc dù đã trải qua nhiều nguy hiểm nhưng cũng không hề làm nhụt chí khiến các chị phải bỏ nghề. “Công việc có nguy hiểm mới thú vị, mới thấm được giá trị của nghề. Hình như nghề lái xe ôm có duyên với mấy chị em trong gia đình tôi thì phải”, chị Liễu vui vẻ nói.

 
Có khách quen là một người buôn bán gọi chị chở lên cầu Bình Lợi. Vì từ nhà đến địa điểm  không xa lắm nên chị không cần mặc áo chống nắng mà vội lên xe để chạy đi đón khách.  "Phương châm của các chị em tôi là không bao giờ để khách chờ đợi quá lâu", chị Liễu vội nói.

Có điện thoại của khách là chạy

Sau mấy chục năm gắn bó với nghề, những người phụ nữ “làm công việc đàn ông” đã kiếm được rất nhiều mối quen để chở đi, đa phần là những người buôn bán hoặc những người sống cùng khu phố. Cứ mỗi lần nhận được điện thoại từ khách thì chị lại cầm nón bảo hiểm và chạy đến đón khách, mặc dù lúc đang ăn cơm. Đối với các nữ lái xe ôm kiếm được những mối khách quen là một chuyện không hề đơn giản, vì thế nếu kiếm được mối nào thì phải hết lòng để phục vụ khách. “Nếu không chăm sóc khách tận tình và chu đáo, khách gọi mà không chạy liền thì họ sẽ đi xe khác mất, lúc đó sẽ mất luôn khách quen của mình”, chị Liễu chia sẻ.

Hiện nay, các chị lái xe ôm chủ yếu ở khu vực lân cận từ nhà đến cầu Bình Lợi, hay ra bến xe Miền Đông, mỗi cuốc xe như vậy các chị lấy giá khoảng 10.000 – 20.000 đồng. Đôi khi có khách quen yêu cầu, hoặc sẽ bồi dưỡng thêm tiền xăng thì các chị lại chạy xa hơn, các tuyến mà các nữ xe ôm chạy xa nhất trong khu vực thành phố là từ nhà qua bến xe Miền Tây. Ngoài tỉnh thì xa nhất là địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương hay Long An… Theo chị Liễu, việc mấy chị em mà chạy xa như vậy đều là khách quen và thân thiết lắm mới dám chở đi.


Chị Nguyễn Thị Đen chở khách xong mới về nhà, lúc này trời đã tối nhưng khi có khách quen gọi là chị lại chạy. "Chạy xe ôm giờ này cũng thường xuyên nên riết rồi cũng quen, không thấy mệt mỏi gì, cái nghề nó vậy", chị Đen chia sẻ.

Các chị em trong gia đình, mỗi người đều có xe máy hết cả nên ít khi ai ở nhà, chủ yếu là chạy ngoài đường để đón khách, thỉnh thoảng có ghé nhà nghỉ ngơi chốc lát lại chạy đi kiếm khách khác trong khi khách quen chưa gọi. Mỗi ngày như vậy mấy chị em đều chạy được 2-3 cuốc xe ôm, một cuốc xe lời được 20.000 đồng – 40.000 đồng, mà chủ yếu là những cuốc xe đi ra quận khác trong thành phố.

Phận nữ xe ôm thường tiếp xúc với nhiều khói bụi, mưa gió và những cái nắng chói chang khiến da dẻ thường hay nhăn nheo sớm và sạm đi nhiều nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của các chị em trong gia đình xe ôm này. Những cái đó dường như các chị đều không quan tâm, chỉ mong có khách để chở nên nói gì đến chuyện giữ gìn nhan sắc. Nhưng được chạy xe, tiếp xúc với nhiều người, lắng nghe những câu chuyện của họ các chị thấy rằng nhiều người còn rơi vào hoàn cảnh khổ cực hơn mình mà họ vẫn sống, vẫn không nguôi hi vọng và mơ về một tương lai tốt đẹp.


Chị Nguyễn Thị Tuyết thì vừa về tới nhà chưa kịp dùng cơm tối lại đi chở khách tiếp vì khách quen gọi.

Chị Liễu chia sẻ: “Được chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình với họ, nghe tâm sự và những động viên của họ dành cho mình các chị em lại thấy có thêm nghị lực, thêm tự hào với nghề xe ôm của mình”. 

Theo các chị em trong gia đình, nghề lái xe ôm đã gắn bó đến bây giờ thì không thể nào bỏ được vì nhờ nó mà các chị em đã có được một gia đình êm ấm như bây giờ. Chị Liễu tâm sự: “Niềm vui của chị là được đưa khách đi đến nơi an toàn bằng tay lái cẩn thận của mình và nhận lại những đồng tiền xứng đáng. Những ngày lễ Tết, tôi thỉnh thoảng tôi thường lấy xe ra đón khách nên được họ mừng tuổi thêm tiền nên chị cho rằng, bản thân mình và các chị em trong gia đình cần phải cố gắng hơn nữa để không phụ tấm lòng yêu thương mà khách hàng dành cho mình”.

kenh14

Khách hàng - Đối tác